Multimedia và vai trò của người thầy giáo trong lớp học ngoại ngữ

MULTIMEDIA VÀ VAI TRÒ CỦA NGƯỜI THẦY TRONG LỚP HỌC NGOẠI NGỮ

MULTIMEDIA AND TEACHER’S ROLES

IN A LANGUAGE CLASSROOM

NGUYỄN VĂN LONG

TÓM TẮT

Bài viết đề cập những tác động của Multimedia (hay truyền thông đa phương tiện) trong lớp học ngoại ngữ đến vai trò của người giáo viên đứng lớp. Đây là vấn đề đã và đang thu hút nhiều mối quan tâm chú ý tại các trường đại học trên cả nước nói chung và ngay tại Đại học Đà Nẵng nói riêng.

ABSTRACT

This paper concerns the role of the language teacher in classroom lessons that involve the use of Multimedia Technology – an issue that has been and should be discussed at colleges and universities in Vietnam in general and the University of Danang in particular.

1. Đặt vấn đề

Có thể nói rằng trong những năm gần đây sự tập trung chú ý, động viên và khuyến khích của ban giám đốc Đại học Đà Nẵng nói chung và Ban giám hiệu Trường Đại học Sư phạm nói riêng về giáo dục với công nghệ Multimedia đã tạo ra một phong trào học hỏi, tìm hiểu của các thầy cô giáo, đặc biệt là các thầy cô giảng dạy ngoại ngữ, về lĩnh vực mới mẽ và đầy sức cuốn hút này. Cụ thể, trong năm 2002, đã có ít nhất hai cuộc hội thảo thành công về công nghệ Multimedia. Một tại trường Đại học Sư phạm với chương trình “Hướng dẫn thiết kế Website và ảnh động” vào tháng 03/2002. Một hội thảo khác tại Khoa tiếng Anh về “Phương pháp đưa bài giảng lên mạng” do Khoa Anh cùng Tổ chức Hỗ trợ Đại học Wusc-Canada tiến hành vào tháng 04/2002 tại Trung tâm Thông tin Tư liệu - Đại học Đà Nẵng. Trong tháng 4 và tháng 5 năm 2003 này, trường Đại học Sư phạm tiếp tục chương trình với việc nâng cao kỹ năng giảng dạy trên máy tính với chương trình Microsoft Powerpoint cho cán bộ giảng dạy trong trường. Tuy nhiên vẫn có khá nhiều băn khoăn về vai trò của người đứng lớp trong việc sử dụng công nghệ Multimedia như là phương tiện truyền tải thông tin trong lớp học ngoại ngữ.

2. Các nhân tố hình thành lớp học ngoại ngữ

Giáo dục đã biết nắm lấy các công nghệ phương tiện mới và là một trong những người tiêu dùng đầu tiên và tích cực nhất các sản phẩm truyền thông đa phương tiện. Trong các trường học ngày nay, các máy tính truyền thông đa phương tiện là một phần không thể thiếu của nhiều lớp học và đưa việc học lên một mức độ tương tác mới.” (Nguyễn Thế Hùng, 2002).

Theo phương pháp giảng dạy và học tập truyn thống, có thể thấy rằng quá trình học tập, mà cụ thể là học ngoại ngữ, tại lớp học bao gồm ba nhân tố chính. Vai trò của mỗi nhân tố theo Jeremy Harmer (1998) có thể được tóm tắt như sau:

2.1. Người thầy: là tác nhân chính trong việc nỗ lực tạo ra các điều kiện tốt nhất giúp người học tiếp nhận kiến thức đồng thời phát triển các kỹ năng ngôn ngữ ngay tại lớp học bằng việc ứng dụng các nghiệp vụ sư phạm chuyên nghiệp của mình trong mối quan hệ trực tiếp với người học. Người thầy giáo tiến hành công việc này trong sự “hợp tác” với tài liệu giảng dạy.

2.2. Tài liệu giảng dạy: là các loại sách giáo khoa, giáo trình do các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước biên soạn cũng là nhằm mục đích tạo ra các điều kiện tốt nhất giúp người học tiếp nhận kiến thức đồng thời phát triển các kỹ năng ngôn ngữ ngay tại lớp học trong sự “hợp tác” với người thầy giáo. Và vì thế, có thể nói rằng tài liệu giảng dạy không có mối quan hệ trực tiếp với người học. Một giáo trình giảng dạy điển hình thường được biên soạn bao gồm chữ viết và hình ảnh minh họa, hiện đại hơn là âm thanh và cả các video clip. Nhiều giáo viên đứng lớp còn tự biên soạn giáo trình riêng cho mình để bổ sung hay thậm chí thay thế tài liệu giảng dạy hiện hành.

Cho dù tài liệu giảng dạy là gì, do ai biên soạn đi nữa, chúng cần phải được phân phát hay truyền tải đến người học. Chính ngay việc lựa chọn phương tiện để chuyển tải này là nơi có sự tham gia và trợ giúp của truyền thông đa phương tiện hay còn gọi là Multimedia. Ngoài các tài liệu được in bằng giấy, phương tiện truyền tải còn có thể là máy cát-sét, đầu video và máy vi tính ....

2.3. Người học: là người tiếp nhận ngôn ngữ và phát triển các kỹ năng ngôn ngữ trong điều kiện tốt nhất do người thầy giáo và tài liệu học tập tạo ra.

Tuy nhiên các vai trò của ba tác nhân này không phải lúc nào cũng được phân biệt một cách rõ ràng. Mức độ kiểm soát của ba nhân tố này đối với môi trường học tập là không giống nhau tương ứng với mỗi phương pháp học tập khác nhau. Các mức độ kiểm soát của từng nhân tố có thể được xác định tùy theo các phương pháp học tập như sau:

i) Phương pháp lấy người thầy làm trung tâm: Người thầy kiểm soát hoàn toàn mọi hoạt động diễn ra trong lớp học, là người quyết định nội dung bài giảng và toàn bộ các phương pháp để tiếp cận nội dung trong tài liệu giảng dạy.

ii) Phương pháp lấy tài liệu học tập làm trung tâm: tài liệu học tập kiểm soát mọi tiến trình xảy ra trong lớp học. Người thầy lúc này chỉ có nhiệm vụ “lặp lại những gì có trong sách. Phương pháp này thường chỉ được áp dụng khi người thầy thiếu kiến thức sư phạm hay do phải chấp hành triệt để khung chương trình giảng dạy đã định sẵn.

iii) Phương pháp lấy người học làm trung tâm: người học tự kiểm soát nội dung và phương pháp tiếp thu kiến thức, là người tự chọn cho mình học những phần nào hay làm bài tập nào trong sách giáo khoa hay thậm chí không ở trong sách giáo khoa. Trên thực tế, phương pháp này chỉ thích hợp với việc tự học tại nhà hay ở thư viện hơn là trong môi trường lớp học.

Hiển nhiên, cả người thầy giáo và người viết giáo trình đều hiểu những gì mang lại lợi ích cao nhất cho quá trình học tập. Thế nhưng, chỉ có người học mới có thể phản ánh đồng thời kiểm soát được quá trình tiếp thu kiến thức của chính mình. Khả năng này nên được sử dụng tối đa trong điều kiện tốt nhất có thể được. Trong thực tế, người học rất cần xem các hoạt động trong lớp học như là một phần của tiến trình học tập bao quát hơn. Trong khi không thể hoàn toàn kiểm soát các hoạt động trong lớp, người học có thể và nên được khuyến khích tự điều chỉnh các hoạt động theo nhu cầu và sở thích của mình nhằm tăng khả năng tiếp thu của họ trong lớp.

3. Khái quát vai trò người giáo viên ngoại ngữ trong lớp học truyền thống

Trước khi thảo luận về các vai trò của người thầy giáo trong lớp học ngoại ngữ có sử dụng công nghệ Multimedia, chúng ta cần xác định các vai trò khái quát của người thầy trong lớp học truyền thống. Trong một lớp học ngoại ngữ đặc thù người thầy giáo có thể có các vai trò được liệt kê dưới đây:

3.1. Lập kế hoạch: mặc dù phần lớn khung chương trình là do các nhà thiết kế chương trình lập ra, người thầy giáo có thể có các vai trò như:

- Quyết định nội dung bài học trong một buổi học nhất định – ví dụ: kỹ năng ngôn ngũ, các bài text, …

- Quyết định phương pháp tiếp cận nội dung

- Chọn tài liệu giảng dạy, bao gồm:

+ Chỉ sử dụ̣ng tài liệu được ban hành (sách giáo khoa và các tài liệu nghe – nhìn kèm theo), hoặc:

+ Sử dụng tài liệu được ban hành có bổ sung các tài liệu khác hay tài liệu của riêng mình, hoặc:

+ Kết hợp tài liệu giảng dạy từ các nguồn khác nhau (trong khuôn khổ khung chương trình đã định), hoặc:

+ Sử dụng hoàn toàn tài liệu giảng dạy của riêng mình (trong khuôn khổ khung chương trình đã định).

3.2. Quản lý:

- Khởi tạo các hoạt động trong lớp học

- Hướng dẫn học viên tham gia các hoạt động

- Quyết định độ dài thời gian cho mỗi hoạt động

- Chuyển sang hoạt động khác

- Cho ngừng các hoạt động khi thích hợp

3.3. Điều phối:

- Góp phần tăng tính năng động cho các hoạt động trong lớp học

- Bổ sung các thông tin cần thiết và hữu ích cho các họat động

- Cung cấp các tác nhân kích thích cho quá trình tiếp thu ngôn ngữ của người học.

- Tạo động cơ học tập (khuyến khích, động viên, …)

- Hỗ trợ kỹ thuật (vận hành đèn chiếu, video, cassette, …)

3.4. Đánh giá:

- Đánh giá thành tích của người học

- Cung cấp ý kiến phản hồi cho các hoạt động của người học

- Hướng dẫn người học phát hiện và sửa chữa các điểm yếu, đồng thời phát huy các điểm mạnh cho bài học sau.

4. Nhữnh thay đổi trong vai trò người thầy giáo trong lớp học ứng dụng công nghệ Multimedia

Theo Tổng giám đốc tập đoàn Microsoft, Bill Gates (The Way Ahead: Con Đường phía trước, 2002): “Rõ ràng, máy vi tính không thể nào đóng vai trò trực tiếp trong quá trình giảng dạy và học tập ngoại ngữ.” Có thể nói rằng máy vi tính trong lớp học chỉ có thể thay thế được các thiết bị truyền thống khác như máy cassette hoặc đèn chiếu. “Chính phần mềm dạy học hay giáo trình điện tử là phần quan trọng mà người học cần hiểu là họ phải tương tác bằng cách dùng bàn phím, chuột, màn hình,…” (Bill Gates, 2002). Các phần mềm giảng dạy ngoại ngữ hay giáo trình điện tử hiện nay đều là những tài liệu học ngoại ngữ chạy trên nền Windows, và chúng được xem là có vai trò như là những “tài liệu học tập” đã nêu.

Chẳng có lý do gì mà các vai trò nền tảng của người thầy giáo, như đã miêu tả ở trên, phải thay đổi nhiều. Mặc dù các giáo trình điện tử giảng dạy ngoại ngữ có thể đảm nhận một số chức năng của người thầy giáo trong một số các hoạt động các nhân riêng rẽ, loại tài liệu giảng dạy mới mẻ này không thể, ít nhất là hiện nay, thay thế được người giáo viên đứng lớp một khi việc học trên lớp vẫn còn tồn tại. Lý do chính là vì các chương trình trên máy tính không thể thực hiện đầy đủ và hiệu quả các chức năng quản lý lớp như lập giáo án, điều chỉnh độ dài của mỗi hoạt động... Các chương trình hướng dẫn học tập có thông minh đến đâu cũng chưa thể phát triển đầy đủ để trở thành một thành phần chính trong xu hướng giảng dạy ngoại ngữ hiện nay (Mặc dù các hệ thống hướng dẫn này đang trở nên ngày càng phổ biến trong các môn học nặng về lý thuyết hơn là kỹ năng). Hơn thế nữa, khi xem lại danh sách các vai trò chủ yếu của người thầy giáo, chúng ta có thể thấy rằng các chương trình phần mềm giảng dạy ngoại ngữ chỉ có thể đảm nhận một vai trò nào đó trong một điểm thời gian nhất định, người thầy giáo vẫn phải được cần đến để thực hiện vai trò này ở thời điểm khác. Ngoài ra, người thầy cần phải giám sát môi trường tương tác giữa người học và máy tính để đảm bảo điều kiện học tập là tốt nhất cho người học.

Một trong những hạn chế chủ yếu khác của các chương trình hay phần mềm học ngoại ngữ hiện nay là chúng không thể linh hoạt như người thầy giáo, bởi chúng không thể đưa ra hướng giải quyết thích hợp trong các tình huống bất ngờ không thể đoán hay chuẩn bị trước. Điều mà chỉ có con người, với kỹ năng sư phạm chuyên nghiệp, mới có được.

Tuy nhiên, cho dù vai trò của người giáo viên ngoại ngữ về nguyên tắc là không thay đổi, việc ứng dụng công nghệ Multimedia và việc đưa máy tính vào sử dụng trong lớp học như là phương tiện phân phát hay truyền tải tài liệu học tập đòi hỏi người giáo viên tự trang bị các kỹ năng bổ sung, như là các điều kiện cần và đủ để đáp ứng với không gian và phương pháp giảng dạy mới:

4.1. Các kỹ năng mà người thầy giáo cần bổ sung:

- Kỹ năng sử dụng các phần mềm và phần cứng máy tính ở mức độ cơ bản (Bởi vì một trong những vai trò của người thầy là “hỗ trợ kỹ thuật” trong lớp học).

- Kỹ năng sử dụng các phần mềm hay chương trình giảng dạy ngoại ngữ trên máy tính cụ thể nào đó trong lớp học (Bởi vì một trong những vai trò của người thầy là nhà “lập kế hoạch” hay chuẩn bị bài giảng để lên lớp). Kỹ năng này có thể bao gồm khả năng xử lý các phần mềm ứng dụng trên máy tính như: Microsoft Word, Microsoft Powerpoint, Internet, Email, …

4.2. Các kỹ năng mà người thầy giáo nên bổ sung:

- Kỹ năng thiết kế hay sản xuất các tài liệu giảng dạy ngoại ngữ có sử dụng máy tính hay còn gọi là “tài liệu điện tử”. Nhiều thầy cô giáo trong Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng nói chung, Khoa Anh ĐHCN nói riêng hiện nay có thể tạo ra các “tài liệu điện tử” sử dụng các chương trình hỗ trợ thiết kế Website như Microsoft Word và Microsoft Frontpage có trong bộ Microsoft Office 2000 trở về sau.

- Các thầy cô giáo được khuyến khích nên trang bị các kỹ năng thiết kế giáo trình điện tử cho bộ môn giảng dạy của mình với việc sử dụng các phần mềm thiết kế thân thiện và dễ dùng như Multimedia Builder 4.9. Đây là phần mềm có hầu như tất cả các tính năng cho người thiết kế giáo trình điện tử mà người viết bài này đã từng sử dụng rất thành công.

5. Kết luận

Tóm lại, các giáo viên đứng lớp vẫn tồn tại, vì ngay cả trong thời đại tiên tiến đến mức nào đi nữa cũng không có thứ gì có thể thay thế được con người. Vai trò của người thầy giáo, như đã trình bày, trong lớp học ngoại ngữ có trang bị công nghệ Multimedia là không thay đổi (ít nhất là cho đến lúc này). Tuy nhiên, với cơ cấu tổ chức lớp học theo hình thức mới, để có thể hoà nhập vào thế giới công nghệ thông tin đang bùng nổ rộng khắp và len lỏi mọi nơi như hiện nay, các giáo viên ngoại ngữ cần và nên bổ sung các kỹ năng hỗ trợ giảng dạy tương ứng khác.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Brett, P., A Study of the Effects of Combinations of Media on a Recall Task, IATEFL, 2001.

[2] Gates, B., Con Đường Phía Trước, Viking, 1997.

[3] Harmer, J. English Teaching Methodology, OUP, 1998.

[4] Nguyễn Thế Hùng Multimedia và Ứng dụng, NXB Thống Kê, 2002.