Điểm mạnh của thí nghiệm ảo

- Dễ dùng, trực quan sinh động
Giao diện thân thiện, dễ dùng với âm thanh và hình ảnh trực quan sinh động, học sinh không chỉ được nhìn, xem, còn có cơ hội tham gia thực sự các thí nghiệm ảo qua các thao tác đã được trực quan hóa với những thiết bị ảo, đây chính là một điểm mạnh của phần mềm so với những bài giảng power point truyền thống. Tính chủ động của học sinh, sinh viên tăng lên do có thể tự học ở nhà trên đĩa CD hay web trong khi giáo viên có thể sử dụng trên lớp như giáo cụ trực quan minh họa cho bài giảng, do đó khắc phục được phần nào về tình trạng thiếu thiết bị, nguyên vật liệu thí nghiệm như hiện nay.
- Tăng hứng thú và tính chủ động
Để hỗ trợ tự học, một giáo viên ảo với giọng nói truyền cảm sẽ giúp sinh viên trong khi học, giáo viên ảo có thể bầy tỏ thái độ, khuyến khích hay chê trách giúp sinh viên dễ định hướng kiến thức trong khi học.
Sự kết hợp hài hòa giữa câu hỏi trắc nghiệm truyền thống (lựa chọn, đúng sai,..) với hình thức trắc nghiệm kỹ năng giàu tính tương tác thu hút chú ý và tăng tính chủ động người học.
Giao diện học tập được tính toán yếu tố mầu sắc, tiện lợi và chiến lược giáo dục. Có hai chế độ học: mod tuần tự (khi yêu cầu về tính qui trình là quan trọng). Với mod lựa chọn, có thể chọn một chủ đề học tập bất kỳ, tùy thuộc vào tiến độ, khả năng tiếp thu cá nhân, giáo viên dùng mod này khi giảng trên lớp.
- Hiệu quả đạt được
Do kết hợp BÀI GIẢNG + tương tác THỰC HÀNH + TRẮC NGHIỆM đánh giá: Thí nghiệm mô phỏng góp vai trò vào 2/3 yếu tố làm tăng tính chủ động học tập. trực quan, tương tác cao, cho phép đánh giá mức độ tiếp thu kiến thức của sinh viên là những yếu tố không thể thiếu đối với một phần mềm giáo dục hiện đại.
Tích hợp đa phương tiện
Việc tích hợp tính năng multimedia (đoạn phim, âm thanh,...) làm thí nghiệm sinh động cùng với lập trình hành động tạo đối tượng thí nghiệm ảo dễ dùng lại sẽ tiết kiệm công sức thiết kế phát triển đối với những vòng đời sau của phần mềm.
Không chỉ lập trình
Muốn phần mềm tốt cần kịch bản tốt, có tính sư phạm, chính xác, khoa học, kết cấu chặt chẽ. Người viết kịch bản cần tham khảo nhiều tài liệu, ý kiến chuyên gia, giảng viên và sinh viên về môn học. Sự tương đồng với kịch bản phim hoạt hình (phân cảnh) giúp phần mềm sinh động mà vẫn đảm bảo các tiêu chí giáo dục cần thiết.
Việc xây dựng thư viện đối tượng thí nghiệm, thiết bị ảo giúp tối ưu quá trình phát triển phần mềm vì cho phép dùng lại khi xây dựng phần mềm tương đương. Thiết bị thí nghiệm ảo giúp sinh viên làm quen với thiết bị, nắm được kiến thức và yêu cầu thực nghiệm, làm tiền đề khai thác thí nghiệm thực. Thiết bị ảo được xây dựng qua nhiều bước: Thiết kế trạng thái, hành vi, tính chất, chụp hình, bóc tách,... lập trình, lồng ghép, đóng gói.
Khả năng tiến hành các thí nghiệm ảo, thử nghiệm các tình huống giả định, khó thu được trong thực nghiệm, tiến hành nhiều lần giúp tiết kiệm thời gian, chi phí nguyên vật liệu, giảm sai hỏng thiết bị do thao tác sai. Đây là một ưu điểm của phần mềm so với cách giảng bài kiểu cũ.
Một điều tra đã cho thấy mức độ sinh động bài giảng thí nghiệm ảo tăng lên 26% so với bài giảng trên PowerPoint. Tính thân thiện tăng 19%, độ khó hiểu giảm 4%. Như vậy áp dụng phần mềm đã thực sự tăng hiệu quả, chất lượng bài giảng.