Game engines >>II. Dạo quanh phố phường >> 10 xu hướng thiết kế game hiện đại



Cũng như sáng tác nghệ thuật, thiết kế game luôn có những chuyển biến không ngừng vừa mang tính sáng tạo vừa mang tính ứng dụng thực tế. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều phong cách thiết kế mới đã ra đời để phù hợp với tình hình hiện tại, đồng thời cũng thể hiện những ý tưởng và thể loại game mới thú vị.



Game dành cho mọi người

Thị trường game trực tuyến châu Á vài năm qua chứng kiến sự vùng lên của casual - thể loại game có lối chơi đơn giản và không yêu cầu người chơi phải đầu tư quá nhiều thời gian và công sức. Ngoài việc mở rộng tiếp cận game thủ mới, những game casual còn mang đến cơ hội đạt doanh thu khá cao cho các hãng phát hành. Còn thị trường game offline thì xuất hiện khuynh hướng "game dành cho tất cả”, thể hiện rõ qua sự thành công của hai hệ máy Wii và DS của Nintendo có lối chơi sáng tạo và phù hợp nhiều đối tượng. Với việc những tựa game lớn, phức tạp xuất hiện ngày càng ít, những tựa game đơn giản mang tính "vui là chính", có tính kết nối nhiều người luôn là sự lựa chọn thiết kế hàng đầu hiện nay.

Điển hình: Wii Fit, Wii Sports, Brain Age.

Thế giới mở

Sự thành công của dòng game Grand Theft Auto đã dẫn đến sự ra đời của dạng game hành động "free-roaming", trong đó người chơi được phép tự do thực hiện các nhiệm vụ trong một thế giới trò chơi mở rộng. Cách chơi tự do này đề cao sự sáng tạo và đưa ra nhiều lựa chọn cho người chơi hoàn thành nhiệm vụ với phong cách riêng của mình, đồng thời khám phá hàng loạt những tính năng mới được tích hợp trong thế giới đó. Điều này giúp giảm bớt sự đơn điệu thường thấy ở những game hành động nặng về cốt truyện và gia tăng sự tương tác giữa nhân vật chính và các yếu tố khác trong trò chơi như NPC và nhiệm vụ bổ sung.

Điển hình: Far Cry 2, S.T.A.L.K.E.R: Clear Sky, Fallout 3.

Chế độ co-op

Tính năng co-op đã thực sự trở lại trong những game hành động phát hành trong khoảng 2-3 năm gần đây. Mặc dù việc tích hợp tính năng này có thể tạo thêm những khó khăn trong quá trình phát triển, nhưng sức hấp dẫn đem lại từ người chơi thứ hai bên cạnh nhân vật chính là không thể phủ nhận và đem đến một trải nghiệm hoàn toàn mới về cách chơi. Về phía người chơi, họ sẽ nhận được sự hỗ trợ từ người bạn của mình thay vì một anh lính máy (AI lập trình sẵn); còn đối với nhà phát triển và nhà phát hành game, tính năng co-op cũng là công cụ marketing và quảng cáo hiệu quả thông qua sự xuất hiện của người chơi thứ hai. Người này có thể tham gia vào giữa trận chiến bất cứ thời điểm nào, hỗ trợ người chơi chính mà không làm ảnh hưởng đến diễn tiến chung mà anh này đang trải qua ở mục chơi chiến dịch hoặc cốt truyện. Việc làm quen với trò chơi và tìm hiểu các tính năng cũng trở nên dễ dàng hơn khi có cả hai hoặc nhiều người cùng nghiên cứu và tác chiến. Nói một cách khác, tính năng co-op thể hiện tính xã hội trong game, nơi người chơi gắn kết và chia sẻ với nhau những trải nghiệm mới.

Điển hình: Army of Two, Kane & Lynch: Dead Men, Gears of War 2.

Nhân vật đồng hành

Một nhân vật kề vai sát cánh cùng nhân vật chính trong trò chơi không phải là ý tưởng quá mới. Tuy nhiên, nhiều game hành động bắn súng hiện đại vẫn tích hợp nhân vật đồng hành này để thể hiện những cảm xúc của nhân vật chính, cùng với việc truyền tải những khía cạnh khác của cốt truyện qua cách nhìn của nhân vật đồng hành. Nhân vật Alyx Vance trong Half-Life 2 cũng như những chiến binh đồng đội trong Call of Duty 4 không chỉ mang tính "phụ họa" trong cốt truyện mà còn là những nhân vật người chơi có thể trông cậy khi chiến đấu. Một dạng khác của nhân vật đồng hành có tầm quan trọng không kém nhân vật chính vì sự sống còn của những nhân vật này là yếu tố đáng cân nhắc, bởi trò chơi chỉ thực sự "thăng hoa" khi có nhân vật đồng hành tham gia vào cuộc phiêu lưu.

Điển hình: Half-Life 2, Kane & Lynch: Dead Men, Call of Duty 4.

Lựa chọn khó khăn

Một trong những xu hướng đang rất phổ biến trong thiết kế game hiện nay là đưa ra các tùy chọn không mong đợi, khiến người chơi phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định. Như trong BioShock, người chơi có thể quyết định có lợi cho mình hoặc không làm điều này vì nó sẽ ảnh hưởng xấu đến người khác; hay trong Fallout 3, người chơi có thể cân nhắc diệt trừ một tên mua bán vũ khí để chiếm hàng của hắn hoặc cũng có thể mua bán một cách đàng hoàng. Nhiều sự lựa chọn, nghĩa là game sẽ xuất hiện nhiều nhánh rẽ, điều này càng tỏ ra hấp dẫn khi bạn chơi lại game, giúp nâng cao giá trị chơi lại của trò chơi lên rất nhiều.

Điển hình: BioShock, Fallout 3.

Minigame

Grand Theft Auto được xem là dòng game khai sinh ra những minigame được lồng ghép vào nhiệm vụ chính một cách khá thông minh, từ việc dạo quanh các quán bar, phòng tập thể hình, quán ăn nhanh hay đi tán tỉnh các cô nàng điệu đàng trong game. Ở các tựa game khác, các minigame được điều chỉnh đơn giản hơn, ví dụ việc mở khóa trong Fallout 3 yêu cầu bạn phải cẩn thận xoay chiếc kẹp và tuốc-nơ-vít đúng trình tự. Những minigame tạo cho người chơi cảm giác chân thật hơn khi chơi game hơn là bấm nút "action" một cách đơn giản. Một thể loại khác của minigame là các pha hành động theo ngữ cảnh (quick-time event), yêu cầu người chơi bấm đúng dãy nút trên màn hình để nhân vật thực hiện các chiêu thức. Nổi bật ở phong cách này là God of War, Naruto, Resident Evil 4 và sắp tới trong năm 2009 là Ninja Blade.

Điển hình: Grand Theft Auto, Fallout 3, God of War.

Kết hợp thể loại game với góc nhìn đặc trưng

Góc nhìn thứ nhất hiện không còn là đặc trưng riêng của thể loại bắn súng, khi xuất hiện ngày càng nhiều những tựa game có phong cách "first-person" nhưng có lối chơi hoàn toàn mới. Mirrors Edge của EA (DICE phát triển) là tựa game hành động kết hợp góc nhìn thứ nhất và chạy tự do (parkour), trong khi Fallout 3, The Elder Scrolls IV: Oblivion là những game nhập vai góc nhìn thứ nhất cũng gặt hái nhiều thành công. Ngoài góc nhìn, những sự kết hợp khác cũng khá mới mẻ là nhập vai với "platform" 2D, được thể hiện qua dòng game Paper Mario của Nintendo. Việc kết hợp những thể loại tưởng chừng như rất "chỏi" nhau lại tạo ra những tựa game thú vị một cách bất ngờ và sự mới mẻ trong việc thiết kế game.

Điển hình: Mirrors Edge, The Elder Scrolls IV: Oblivion, Paper Mario.

Bối cảnh Trái Đất tương lai gần

Những tựa game khoa học viễn tưởng thường chọn những hành tinh xa xôi trong vũ trụ làm bối cảnh chính nhưng hiện nay xu hướng này đã dần thay đổi. Những trò chơi ăn khách gần đây như Fallout 3, S.T.A.L.K.E.R đều lấy cảnh tương lai ảm đạm ở Trái Đất qua nhận thức cổ điển từ những thập niên 70. Phong cách này có phần lạ lẫm với các game thủ trẻ tuổi nhưng lại đầy ý nghĩa với những ai muốn tìm hiểu về những sự kiện cũng như mơ ước của con người ở những thập niên trước.

Điển hình: Fallout 3, Killzone, S.T.A.L.K.E.R

Nội dung tải về

Việc bổ sung những nội dung tải về (downloadable content) cho phiên bản game đã phát hành hiện nay rất phổ biến qua Internet và những dịch vụ như Xbox Live, PlayStation Network. Các gói nội dung tải về (miễn phí hoặc có thu phí) hiện là thị trường béo bở cho các hãng game, bao gồm những màn chơi hoặc nhân vật bổ sung bên cạnh những đoạn video quảng cáo giới thiệu game mới. Ngoài ra, một số trò chơi còn cho phép chia sẻ những nội dung do người dùng tự tạo như nhân vật, bản đồ, các vật phẩm... nhằm gia tăng tính cộng đồng trong trò chơi.

Điển hình: Gears of War 2, LittleBigPlanet.

Tái hiện địa danh có thực

Những game hiện nay hiếm khi xuất hiện những màn chơi được thiết kế trong studio mà có thể sử dụng ngay chính chất liệu từ thực tế để đưa vào game, những địa danh khác nhau trên thế giới và ở những thời đại và lịch sử khác nhau. Call of Duty 4 là tựa game tái hiện thành công bối cảnh chiến tranh, đó là nhờ chính việc tạo hình môi trường từ những bức ảnh chụp tại những khu vực nói trên. So với việc tự thiết kế màn chơi, tái hiện lại những gì có sẵn tỏ ra có lợi hơn về mặt thời gian và tiết kiệm chi phí phát triển, đó là chưa kể tạo được tính thực tế cao cho trò chơi.

Điển hình: Call of Duty 4, Metal Gear Solid 4: Guns of the Patriots, Brothers in Arms: Hells Highway.

Nguồn pcworld